Du học queen

NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN

Queen Group

Tết nghĩa là gì? Tết bắt nguồn từ đâu? Đó là những câu hỏi mà nhiều học giả đã dày công tìm câu trả lời qua nhiều thế hệ. Tết là sự bắt đầu, là khởi nguồn. Ý nghĩa của Tết bao trùm lên mọi mơ ước về những điều tốt đẹp, những điều lành và may mắn…


1. Nguồn gốc của Tết

Tết, khởi đầu của một năm, một tháng, một mùa, một chu kỳ sản xuất nông nghiệp mới. Tết cũng là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt trong năm và ai cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho Tết.

Trong sử sách, ở mỗi thời, các nhà nghiên cứu đều phân tích và cho thấy những yếu tố gì dẫn đến việc hình thành nên cái Tết như ngày nay.

GS.TS, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết trong tạp chí Indochine số 75 và 75 ngày 12/12/1942, được MaiHaBooks dịch và in lại trong cuốn "Tết Việt Nam xưa" rằng, Tết theo lịch âm ở châu Á là một ngày lễ được người Việt tổ chức long trọng nhất trong năm.

Queen Group

Theo lịch âm dựa trên sự vận động của mặt trăng, mỗi tháng bắt đầu vào một ngày trăng mới. Và năm mới bắt đầu vào ngày trăng xuất hiện sau khi mặt trời ló rạng khỏi chí tuyến nam, dấu hiệu cuối cùng trong ba dấu hiệu mùa đông.

Tết, vì thế mà theo sự diễn biến của cả mặt trăng và mặt trời. Tết mở ra mùa xuân và luôn rơi vào khoảng từ 10 ngày cuối cùng của tháng Một đến ngày thứ ba của tháng Hai.

Tết này gọi là "tiết Nguyên đán", "thời kỳ rạng đông bắt đầu". Ngày này là ngày bắt đầu của năm, của tháng và của mùa, vì vậy, đó là buổi sáng thiêng liêng nhất. Nó báo trước những sự kiện tốt lành của mặt trăng sẽ xảy ra sau đó.

 Vì Âm lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng, cho nên Tết Nguyên đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch, cho nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán hằng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).


2. Nguồn gốc Tết ở Việt Nam bắt đầu từ bao giờ, cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào xác định.

Queen Group

Theo nghiên cứu của nhà sử học Trần Văn Giáp, ngày "Tết Nguyên đán" ở Việt Nam đã có từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nguồn gốc chữ Tết cũng như nghĩa chữ "Tết Nguyên đán" cũng được phổ biến từ thời đó.

Còn theo sự tích "Bánh chưng, bánh dày", Tết Nguyên đán có thể đã xuất hiện từ thời các vua Hùng, với truyền thuyết về chàng Lang Liêu và bánh chưng.


3. Ý nghĩa của Tết

Chính vì mang tính chất sự khởi đầu của một giai đoạn gieo trồng mới, một tháng mới, mùa mới, năm mới, cho nên Tết có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của người Việt.

Với mỗi người Việt, Tết là dịp tụ họp, đoàn viên gia đình. Con cháu đi làm ăn xa, dù bận đến mấy cũng cố gắng về ăn Tết với gia đình. Mọi người ai nấy đều cố hoàn thành công việc, giải quyết công nợ xong hết trước Tết, để có thể đón một năm mới thanh thản, an vui.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết: "Ngày này là lúc khởi đầu của một năm, tháng và mùa. Nó đứng đầu chuỗi nhịp điệu các thời kỳ. Vì thế, sáng hôm đó là buổi sáng linh thiêng nhất. Nó là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng âm lịch tiếp theo. Và tất cả các cử chỉ ta làm trong những giờ đầu tiên này đều có hiệu lực của một đạo bùa quý báu".

Ngày xưa mỗi khi giáp Tết, con cháu làm ăn xa xôi, cách trở phương trời đến mấy cũng gắng thu xếp về sum họp cùng gia đình. Bởi dịp này là dịp gặp gỡ ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng ruột thịt. Để chờ đến giao thừa, mỗi người thắp một nén nhang trước bàn thờ gia tiên, nhờ người xưa phù độ hộ trì. Nói chung, không khí đêm giao thừa trong lòng người Việt chúng ta là thiêng liêng lắm. Người sống và người đã khuất trong thời khắc ấy hình như có một cuộc gặp gỡ trong cõi vô hình, điều này khó có ai giải thích nổi – nhà nghiên cứu Toan Ánh.

Cụ Nguyễn Văn Huyên cũng nhấn mạnh vào ý nghĩa quan trọng của Tết: "Dù thế nào đi nữa, nếu không phải tất cả các truyền thống cổ đều còn được tôn trọng, thì trong dịp lễ này, từ bắc chí nam, cả nước đều hoan hỉ.

Chẳng biến cố nào của thế giới bên ngoài có thể cướp đi của người nghèo nhất cũng như giàu nhất niềm vui trong lòng này và sự thỏa mãn được ăn Tết một cách xứng đáng trước bàn thờ thần linh trong nhà hoặc giữa những người cùng xứ sở.

Dân thành thị cố gắng làm ngơ để quên đi những điều phiền toái mà các bức điện từ nước ngoài đưa đến và ăn Tết thảnh thơi khỏi mọi lo toan trước mắt. Nhà nông, với đời sống hằng ngày vất vả cơ cực, chẳng biết gì đến nghỉ ngơi hằng tuần, ngừng mọi công việc vào ngày đầu năm. Cả nước bị cuốn hút vào một tình cảm đồng tâm nhất trí bởi một sức mạnh vô hình…

Trong ba ngày lễ ấy, mọi người được thoải mái vui cười, bỏ qua những lo lắng phiền muộn, những mối hận thù cá nhân. Ba ngày tĩnh tâm để gợi nhớ tổ tiên, để cho các linh hồn hộ mệnh của họ trở về giữa những người đang sống.

Mọi người chỉ xem các chương trình vui nhộn và nghĩ đến những điều hạnh phúc, ăn no uống say, thưởng thức những món ngon trong không khí trang trọng, khoác lên mình những bộ quần áo đẹp nhất, nói những điều đẹp đẽ nhất, trao nhau những điều ước và những lời chúc tụng tốt đẹp.

Đó là một sự nghỉ ngơi, một hiệp định đình chiến, chấm dứt mọi tranh đấu và ganh đua, một giấc mơ hạnh phúc lớn lao…"

Tết, là sự khởi đầu. Trở về với Tết, cũng là trở về với sự khởi đầu. Đó là ý nghĩa lớn nhất của Tết, mà mỗi lần xuân về, người Việt lại cùng nhau hướng tới.


4. Tết là trở về

Xã hội hiện đại, đã có rất nhiều thay đổi, kể cả trong cách đón Tết cũng như những thực hành trong dịp Tết. Thế nhưng, có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tâm lý hướng về những giá trị truyền thống của người Việt trong dịp Tết, dù ở thế hệ nào, độ tuổi nào. Bởi vì trên hết, bản thân Tết đã là một sự trở về với cội nguồn.

Không phải ngẫu nhiên mà mỗi dịp Tết đến, người ta thường hướng tới sự đoàn tụ, sum vầy. Người làm ăn, người đi học xa, dù bận bịu, nhiều việc thế nào cũng đều cố gắng về nhà vào dịp Tết. Tết không có định nghĩa cụ thể, nhưng trong tâm trí mỗi người Việt đều là những buổi sum họp gia đình, cả nhà quây quần tụ họp trong những thời khắc đầu tiên của năm mới. Đó là định nghĩa "không thành lời" nhưng luôn rõ nét nhất mỗi khi nhắc đến Tết.

Queen Group

Với mỗi gia đình, dù là các gia đình trẻ, hiện đại, dù có lựa chọn những cách đón Tết, ăn Tết, thực hành Tết đơn giản và giảm các thủ tục nhiều hơn so với các thời trước, nhưng vẫn luôn giữ một giá trị chung, đó là hướng về truyền thống.


5. Giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền của Dân tộc Việt Nam

Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 (hay mùng 1) tháng Giêng âm lịch trên toàn nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc mừng tốt đẹp, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên.

Đối với người Việt, Tết Nguyên đán hết sức quan trọng và linh thiêng, được nhiều người mong đợi, nhất là những người đi làm ăn xa nhà, trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ, cùng nhau nhìn nhận lại những việc đã làm trong năm cũ, đồng thời thực hiện các tập tục văn hóa (phong tục, tập quán) tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng và những gì đẹp nhất, ngon nhất, tốt nhất đều được dành cho ngày Tết.

Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của bao thế hệ người Việt. Vì vậy, dù trải qua biết bao thời gian,nhưng những phong tục đón Tết, vui Tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian, gồm: Tất niên, Giao thừa và Tân niên.

Bên cạnh những phong tục linh thiêng ngày Tết, người Việt xưa còn ăn Tết, vui xuân bằng các hoạt động vui tươi, lành mạnh như: hội đánh vật, ném còn, chơi đu, bơi thuyền, chọi trâu, đua ngựa và các trò chơi dân gian khác…, thể hiện tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, gắn bó cộng đồng, hình thành, vun đắp, giữ gìn văn hóa làng xã từ đời này qua đời khác.

Giờ khắc linh thiêng nhất của Tết Nguyên Đán là giao thừa đêm ba mươi, thời khắc trời đất giao hòa. Gia đình quây quần, sum họp đón năm mới, mọi người trò chuyện, hàn huyên về cái được, cái mất của năm qua và bàn bạc cách làm ăn sao cho năm tới tốt đẹp hơn. Ngoài ra, người dân Việt còn có phong tục xông nhà vào đêm giao thừa.

Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm cũng là một mỹ tục xuất hiện từ lâu đời. Dân gian có câu: Mồng một Tết mẹ, Tết cha, Mồng hai Tết vợ, mồng ba Tết thầy. Đó là thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt.

Sáng mồng Một Tết, mọi người trong gia đình mặc quần áo mới, tề tựu đông đủ để thực hiện nghi lễ chúc Tết và mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúc mạnh khỏe, sống lâu. Ông bà, cha mẹ chúc con cháu làm ăn tấn tới, học hành giỏi giang. Trẻ nhỏ được mừng tuổi bằng bao lì xì đỏ trong có ít tiền mới gọi là lộc với hàm ý may mắn cả năm.

Ngày Tết, họ hàng, láng giềng, đồng nghiệp qua nhà nhau chúc Tết, tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, chuyện trò râm ran, tíu tít. Điều đó làm cho ngày Tết càng thêm ý nghĩa về sự gắn kết và chia. Mọi người mang theo những điều tốt lành suốt trong năm mới và những điều không hay trong năm cũ đều được bỏ qua để quan hệ thân tộc, quan hệ xã hội… trong năm mới tốt đẹp hơn.

Tết như các trò chơi dân gian, những phiên chợ Tết, phiên chợ hoa. Các phiên chợ Tết, chợ hoa cũng được tổ chức vào mỗi dịp xuân về để tăng thêm sự rộn ràng và hương vị của ngày Tết.

Đối với người Việt Nam, ngày Tết thường diễn ra vào ba ngày chính, nhưng trước đó một tuần, người dân đã rậm rịch sắm Tết. Loài hoa đặc trưng mà người miền Bắc và miền Trung chơi Tết là hoa đào, còn người miền Nam lại chuộng hoa mai.

Mâm ngũ quả cũng là một món đồ trang trí không thể thiếu của người Việt. Đây cũng là điểm khác biệt của hai miền Nam, Bắc. Bởi vì, đặc trưng mâm ngũ quả của người Bắc là bưởi, chuối, hồng, quýt và ớt. Còn miền Nam lại là những quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài….

Trong những ngày này, đi đến đâu chúng ta cũng có thể thấy được không khí rộn ràng, tất bật rất đặc trưng. Trẻ con thì háo hức vì được nghỉ học, được đi chơi, mua sắm quần áo mới.

Bên cạnh đó là tục du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, lễ đền, lễ chùa trong dịp Tết. Trong những ngày Tết, mọi người tranh thủ du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương, đất nước để tâm hồn lâng lâng thanh thản và được tiếp thêm sinh khí của mùa xuân.

Các lễ hội gắn với những đền, chùa nổi tiếng linh thiêng được Phật tử và khách thập phương từ khắp mọi miền đất nước đến thăm viếng, cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên trong năm mới.

Với sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng, chúng ta cần nhìn nhận Tết Nguyên đán là một trong những di sản văn hóa hàng đầu của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được thấu hiểu, bảo tồn, phát huy, phát triển và quảng bá.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai.

Và mỗi khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc được lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam, thì nó sẽ trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày Tết của dân tộc Việt với rất nhiều ý nghĩa đặc biệt, những phong tục đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hóa, văn minh cần được các thế hệ sau trân trọng gìn giữ và phát huy, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay, bởi đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam.